Hiện nay, trên địa bàn xã Song Phụng có hơn 821 ha diện tích vườn cây ăn trái, với gần 900 hộ nông dân sản xuất, các loại cây ăn trái trồng chủ yếu ở đây gồm : Nhãn, Bưởi, cam, quít, chanh, thanh long, chuối, xoài, dừa, táo, ổi, cau, mít … Ông Phan Văn Nhã, Chủ tịch UBND xã Song Phụng cho biết : “ Hiệu quả mô hình trồng cây ăn trái đã được khẳng định trong những năm gần đây, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân. Hiện nay, xã đang tiếp tục tạo điều kiện cho người dân tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển các vùng cây ăn trái quy mô lớn. Bên cạnh đó, cán bộ Khuyến nông xã chủ động hướng dẫn người dân sản xuất đúng mùa vụ, tuân thủ quy trình kỹ thuật. Phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm dạy nghề, Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật như : Cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây ăn trái; sản xuất theo quy trình VietGAP, xen canh, tăng vụ, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Từ đó, góp phần thay đổi tư duy, thói quen sản xuất của bà con nông dân, nhiều hộ nông dân trong xã đã vươn lên làm giàu từ trồng cây ăn trái với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm”.
Nhờ trồng cây ăn trái, chỉ chừng 03 năm trở lại đây, nhiều gia đình ở Song Phụng không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả, điển hình như các hộ : Phan Văn Thương, Nguyễn Văn Dện; Mạch Văn Sol, Nguyễn Văn Dễ …. ở ấp Phụng Sơn, với mô hình trồng nhãn xuồng cơm vàng, xoài Đài Loan, chanh không hạt, chanh dây leo ngọt … mỗi năm cho thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng. Chúng tôi đến thăm vườn cây ăn trái của lão nông Phan Văn Thương, ở ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng, ông Thương cho biết : “ Ban đầu khởi nghiệp khá vất vả, tôi chỉ trồng vài trăm gốc nhãn Ido thử nghiệm, nhưng do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển chậm, cho thu nhập thấp. Không nản chí trước khó khăn, tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tham khảo học tập kỹ thuật chăm sóc cây nhãn từ những mô hình đã thành công ở trong và ngoài địa phương về áp dụng, tôi chuyển đổi 01 ha đất vườn tạp sang trồng giống Thanh Nhãn và Nhãn xuồng cơm vàng. Với phương châm “ Lấy ngắn nuôi dài” tôi đã trồng xen kẽ nhiều loại cây để có thêm thu nhập”. Nhờ chăm chỉ lao động, cần cù học hỏi kinh nghiệm và sáng tạo trong sản xuất, diện tích trồng cây ăn trái của gia đình ông đang phát triển tốt. Nếu thời tiết thuận lợi, trong mùa nhãn này, gia đình ông có thêm thu nhập cả trăm triệu đồng.

Chú thích ảnh : Trung tâm chuyên cung cấp các loại giống cây trồng xã Song Phụng.
Còn ông Mạch Văn Sol, với 02 ha vườn nhãn xuồng cơm vàng, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng, ông Sol chia sẻ : “ Nếu so sánh với nhiều loại cây truyền thống khác trên địa bàn, thì trồng cây ăn trái cho thu nhập ổn định nhiều hơn. Hơn nữa, trồng cây ăn trái có nhiều ưu điểm như chi phí đầu tư thấp, thời gian thu hoạch dài …” Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bằng những kinh nghiệm có được trong quá trình trồng cây ăn trái, ông Sol luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ về kỹ thuật, cây giống … để bà con trong xã có điều kiện phát triển kinh tế. Nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, gia đình ông Sol còn đầu tư hàng trăm triệu đồng san ủi vườn tạp, xây dựng hệ thống tưới tiêu; hướng tới mục tiêu xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái tập trung theo hướng VietGAP.
Để phát triển các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, cùng với việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy hoạch vùng trồng và lựa chọn loại cây trồng hợp lý, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Cùng với đó, xã Song Phụng tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, nâng cao giá trị cho sản phẩm, góp phần giảm nghèo bền vững và từng bước hướng đến vùng chuyên canh cây ăn trái của huyện, chuyên cung cấp cây ăn trái và các loại giống có chất lượng cao.
Bài và ảnh : Sóc Ca.